Đón nhận The Boy in the Striped Pyjamas

Đánh giá chuyên môn

Trên hệ thống tổng hợp kết quả đánh giá Rotten Tomatoes, bộ phim có tỷ lệ đánh giá tích cực 64% dựa trên 142 nhận xét, với điểm trung bình là 6,30/10. Phần đánh giá chung của phim trên trang web này có nội dung: "Một bộ phim gia đình đầy cảm động và ám ảnh nói về cuộc thảm sát Holocaust theo cách đầy thu hút và khác thường, với cái kết là một bước ngoặt quá đỗi tàn nhẫn."[8] Trên trang Metacritic, số điểm trung bình của phim là 55/100 dựa trên đánh giá của 28 nhà phê bình, cho thấy "các đánh giá trái chiều hoặc ở mức trung bình".[9]

James Christopher của The Times gọi The Boy in the Striped Pyjamas là "một bộ phim gây xúc động mạnh. Và cũng rất giàu sức ảnh hưởng nữa".[10] Kelly Jane Torrance từ tờ Washington Times cũng cho rằng tác phẩm rất cảm động, đồng thời có được lối kể chuyện hay.[11] Viết cho Chicago Sun-Times, Roger Ebert thấy bộ phim không chỉ đơn giản tái hiện lại nước Đức thời chiến tranh mà còn về "một hệ thống tư tưởng tồn tại như thể virus".[12]

Manohla Dargis của The New York Times cho rằng bộ phim "tầm thường hóa, phớt lờ hoá, sến súa hóa, thương mại hóa và lợi dụng [cuộc thảm sát Holocaust] chỉ vì bi kịch của một gia đình Đức Quốc xã".[13] Ty Burr của The Boston Globe dù có một vài chỉ trích dành cho bộ phim nhưng đưa ra kết luận rằng "điều khiến 'The Boy in the Striped Pajamas' không bị sến sẩm là sự logic vừa lạnh lùng vừa sắc sảo trong lối kể chuyện của Herman".[14]

Góc nhìn học thuật

Giới học giả chỉ trích bộ phim vì đã che giấu sự thật lịch sử về cuộc thảm sát Holocaust, cũng như bình đẳng hóa các nạn nhân và thủ phạm gây ra vụ thảm sát này.[15][16] Ví dụ như ở cuối phim, việc khắc họa nỗi đau của gia đình Bruno dễ khiến khán giả dành sự cảm thông cho những kẻ gây ra thảm họa Holocaust.[17]:125 Nhà giáo dục Holocaust Michael Grey cho rằng bộ phim thiếu tính xác thực và ẩn chứa nhiều điều viển vông vì trên thực tế trẻ em bị sát hại ngay khi đặt chân đến trại tập trung Auschwitz và chúng hoàn toàn không được tiếp xúc với người ngoài.[17]:121–123[18] Tuy nhiên, theo ghi chép của Đức Quốc xã, ở trại này có 619 bé trai, nhiều em trong số đó cùng tất cả các bé gái đều bị đầu độc khí ngay khi đến trại.[19] Một nghiên cứu của Trung tâm Giáo dục Holocaust thuộc Đại học Cao đẳng London chỉ ra The Boy in the Striped Pyjamas "có tác động lớn và rất xấu đến việc người trẻ tìm hiểu về giai đoạn lịch sử phức tạp này". Dù vậy, một nghiên cứu mới đây hơn cho thấy cách khán giả nhìn nhận về bộ phim chủ yếu dựa trên những hiểu biết và niềm tin sẵn có của họ.[20]:173

Nghiên cứu của Michael Grey cho thấy hơn ba phần tư học sinh Anh Quốc (từ 13–14 tuổi) trên tổng số các đối tượng nghiên cứu của ông đã tiếp xúc với The Boy in the Striped Pyjamas, nhiều hơn hẳn so với cuốn sách Nhật ký Anne Frank. Bộ phim có sức ảnh hưởng đáng kể lên nhận thức và niềm tin của nhiều trẻ em về thảm họa Holocaust.[21]:114 Các em tin rằng câu chuyện chứa nhiều thông tin hữu ích về Holocaust và tái hiện chuẩn xác các sự kiện có thực. Đa số tin rằng tác phẩm dựa trên một câu chuyện có thật.[21]:115–116 Grey cũng phát hiện ra rằng nhiều học sinh đã rút ra những suy luận sai lầm từ bộ phim, chẳng hạn như vì nhà Bruno không biết gì về Holocaust nên người dân Đức cũng vậy, hoặc vì một đứa trẻ Đức Quốc xã đã vô tình bị đầu độc khí nên Holocaust được chấm dứt.[21]:117 Những học sinh khác cho rằng người Do Thái đã tình nguyện đến các trại tập trung vì họ bị lừa bởi sự truyền giáo của Đức Quốc xã, chứ không phải là bị vây bắt và trục xuất một cách bạo lực.[21]:119 Grey khuyên trẻ em chỉ nên đọc The Boy in the Striped Pyjamas sau khi đã có những hiểu biết nhất định về Holocaust, như vậy sẽ khó bị cuốn sách làm cho hiểu lầm,[21]:131 trong khi Bảo tàng Auschwitz-Birkenau khẳng định đây là một cuốn sách/bộ phim nên tránh hoàn toàn, cũng như khuyến khích dành sự ưu tiên cho các hồi ký và tác phẩm của những tác giả người Do Thái.[22][23]

Giải thưởng

NămGiải thưởngHạng mụcĐề cử choKết quả
2008Giải Phim độc lập Anh[24]Nữ diễn viên xuất sắc nhấtVera FarmigaĐoạt giải
Đạo diễn xuất sắc nhấtMark HermanĐề cử
Diễn viên mới triển vọng nhấtAsa ButterfieldĐề cử
2009Premio GoyaPhim châu Âu hay nhấtThe Boy in the Striped PyjamasĐề cử
Giải Điện ảnh và Truyền hình Ireland[25]Phim nước ngoài hay nhấtĐề cử
Giải Nghệ sĩ trẻ[26]Diễn viên chính xuất sắc nhất (phim điện ảnh nước ngoài)Asa Butterfield và Jack ScanlonĐề cử

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: The Boy in the Striped Pyjamas http://archive.boston.com/ae/movies/articles/2008/... http://www.boxofficemojo.com/movies/?id=boyinthest... http://www.imdb.com/title/tt0914798/locations http://www.metacritic.com/movie/the-boy-in-the-str... http://www.movies.nytimes.com/2008/11/07/movies/07... http://www.observer.com/2009/movies/demand-week-lo... http://www.rottentomatoes.com/m/boy_in_the_striped... http://www.rogerebert.suntimes.com/apps/pbcs.dll/a... http://www.the-numbers.com/movie/Boy-in-the-Stripe... http://www.washingtontimes.com